Chương 25: Chương 25

Chương 25: Chương 25

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Mọi âm thanh bên ngoài dường như đều biến mất, chỉ còn tiếng thở khe khẽ của hai người trong không gian nhỏ hẹp. Doãn Hy rút tay lại, khẽ thở dài: “Anh còn nhớ không, em từng nói trên đời có bốn loại người.”

“Ừ.” Nhiếp Tung không hiểu cô đang nghĩ gì, đành thuận theo lời đáp: “Anh nhớ.”

“Lúc đó, anh phản bác em, nói nữ tiến sĩ ngành địa chất cũng chẳng khác gì người thường.” Doãn Hy cười nhạt, trong lòng cuộn trào cảm xúc, “Giờ thì sao, anh có thấy khác đi chút nào không?”

Nhiếp Tung quay sang nhìn cô, ánh mắt xuyên qua tròng kính, nhìn thẳng vào đôi mắt cô: “Em muốn nói gì?”

“Trước khi anh nói muốn ‘chịu trách nhiệm với em’, em chưa từng chờ mong bạn trai sẽ đưa ô khi trời mưa, chưa từng mơ mộng cảnh anh ấy xuất hiện khi em gặp khó khăn như thần thánh giáng trần, càng chưa từng ảo tưởng bất kỳ hoàn cảnh nào cần người ‘chịu trách nhiệm’ cho mình.” Dừng một lát, cô tự bổ sung: “Có thể em sống hơi cứng đầu, nhưng em không thấy điều đó là sai.”

“Giờ em có bạn trai rồi, có thể khát khao anh làm tất cả những điều đó.”

“Thành thật mà nói, em chưa từng nghĩ sẽ phải dựa dẫm vào ai để sống. Làm người yêu chẳng qua chỉ là cùng nhau nắm tay, đi qua một quãng đường đời vui vẻ.”

Ánh mắt của Nhiếp Tung bỗng tối sầm lại, như ngọn đèn bị dập tắt, không còn chút tia sáng nào. Anh tháo dây an toàn, mở cửa xe, lặng lẽ rời đi không nói một lời.

Bóng lưng gục xuống của anh như một chiếc gai đâm sâu vào lòng Doãn Hy. Cô muốn gọi anh lại, nhưng cuối cùng chỉ khẽ hé môi rồi lại thôi.

Cảm giác muốn nói mà không thể thốt ra ấy kéo dài cho tới khi cô mở cửa nhà, bật TV theo thói quen. Tiếng bánh răng quay và lời dẫn chương trình vang lên. Cô ngẩng đầu nhìn, trong nhịp nền dồn dập ngày càng rõ rệt, một cánh cổng son được đẩy mở, hiện ra bảy chữ lớn — “Tôi tu sửa cổ vật trong Cố Cung.”

Chính là bộ phim tài liệu mà sư huynh đã giới thiệu cho cô xem.

Phim mở đầu bằng quá trình phục chế bức bình phong mừng thọ sáu mươi tuổi của hoàng đế Khang Hy, lần lượt trình bày quy trình phục chế những báu vật hiếm có trong Tử Cấm Thành. Đồng thời, cuộc sống thường nhật cùng những cảm xúc chân thật, vui, buồn, hờn, giận của các bậc thầy phục chế cổ vật ẩn sau những bảo vật vô giá ấy cũng được hé lộ trước mắt người xem.

(*) ​Bức bình phong mừng thọ 60 tuổi của Hoàng đế Khang Hy là một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, được tạo ra nhân dịp sinh nhật lần thứ 60 của ông vào năm 1713 (năm Khang Hy thứ 52). Đây là một phần trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm quy mô lớn, thể hiện sự tôn vinh đối với vị hoàng đế trị vì lâu dài và có nhiều đóng góp cho triều đại nhà Thanh.​

Ba tập phim tài liệu kết thúc, Doãn Hy không chợp mắt mà ngay trong đêm liền tìm xem bộ phim điện ảnh cùng tên. Từ Tranh Thanh Minh Thượng Hà, ngựa Tam Thái thời Đường, đến tượng Phật điêu khắc gỗ thời Liêu Kim, đồng hồ âm nhạc phong cách nông thôn dát vàng của Càn Long, rồi đến Bức tranh chúc thọ thực cảnh nhân dịp Hoàng Thái hậu 80 tuổi — quá trình và kỹ thuật phục chế những cổ vật đỉnh cao trong phim khiến Doãn Hy vô cùng kinh ngạc. Nhưng điều khiến cô cảm phục hơn chính là sự bình thản và kiên định của những người nghệ nhân trong cuộc sống thường ngày.

(*) Thanh Minh Thượng Hà Đồ (清明上河图) là một kiệt tác hội họa nổi tiếng của Trung Quốc, được ví như “Mona Lisa của phương Đông” . Tác phẩm này được vẽ bởi họa sĩ Trương Trạch Đoan (张择端) vào thời Bắc Tống (960–1127). Bức tranh mô tả sinh động cảnh sinh hoạt thường nhật của người dân tại kinh đô Biện Kinh (nay là Khai Phong) vào dịp tiết Thanh Minh . Tác phẩm phản ánh một xã hội phồn thịnh với các hoạt động buôn bán, giao thông đường thủy, và đời sống đô thị sôi động.

(**) Ngựa Tam Thái (唐三彩马) là tượng gốm hình ngựa, được làm bằng gốm tam thái – một kỹ thuật nung gốm tráng men nhiều màu, phổ biến trong thời Đường. Những tượng ngựa này không dùng để cưỡi mà chủ yếu là đồ tùy táng, chôn theo người chết để tượng trưng cho sự phồn vinh, uy quyền và địa vị.

(***) Tượng Phật điêu khắc gỗ thời Liêu – Kim là những tác phẩm điêu khắc tôn giáo rất đặc sắc, phản ánh kỹ thuật thủ công và tín ngưỡng Phật giáo tại miền bắc Trung Quốc trong khoảng thế kỷ 10–13, dưới hai triều đại Liêu (907–1125) và Kim (1115–1234). Những tượng Phật gỗ thời này thường được đặt trong đại điện của chùa, đôi khi đi kèm với tranh tường và kiến trúc gỗ.

(****) Đồng hồ âm nhạc phong cách nông thôn dát vàng của thời Càn Long là một loại đồng hồ cơ khí tự động (automaton musical clock) được chế tác tinh xảo, thường kết hợp giữa nghệ thuật châu Âu và Trung Hoa. Những chiếc đồng hồ này không chỉ để xem giờ mà còn là tác phẩm nghệ thuật với các chi tiết trang trí phức tạp, bao gồm các cảnh nông thôn, động vật, và nhân vật chuyển động, cùng với âm nhạc phát ra từ cơ cấu bên trong. Những chiếc đồng hồ như vậy thường được các nghệ nhân châu Âu chế tác và gửi tặng hoàng đế Càn Long như một phần của các sứ mệnh ngoại giao, nhằm thúc đẩy thương mại với Trung Quốc.

(*****) Khánh Thọ Toàn Đồ (慶壽全圖), còn được biết đến với tên tiếng Việt là “Bức tranh chúc thọ thực cảnh nhân dịp Hoàng Thái hậu 80 tuổi”, được vẽ vào thời Hoàng đế Càn Long nhà Thanh để mừng thọ 80 tuổi của Thánh mẫu Nữu Hỗ Lộc thị, tức Hiếu Thánh Hiền Hoàng hậu – mẹ của Càn Long. Là một bức tranh thực cảnh khổng lồ, mô tả chi tiết và sinh động toàn cảnh đại lễ chúc thọ với hàng ngàn nhân vật. Tranh thể hiện kỹ thuật vẽ tinh tế, công phu, pha trộn giữa truyền thống Trung Hoa và ảnh hưởng hội họa phương Tây (viễn cận, phối cảnh sâu…).

Đêm khuya yên tĩnh lặng lẽ, trong màn đêm mênh mông, bầu trời Diêu Thành như vầng màn sân khấu mãi mãi chưa mở.

Tâm trạng Doãn Hy xao động mãi không yên. Trong đầu cô toàn là hình ảnh lần đầu quen biết Nhiếp Tung. Giọng nói trong trẻo của anh trong phòng triển lãm ở bảo tàng, khi anh giảng giải về lịch sử phục chế cổ thư cổ họa cho khách tham quan. Tấm lưng hơi khom khi anh nâng cổ tay lặng lẽ thêm màu trong phòng làm việc của nhóm bồi tranh. Ánh mắt sáng ngời khi anh nói tại nhà họ Bàng rằng: “Màu của tranh thủy mặc truyền thống sẽ không bao giờ biến mất.”

Cô bỗng hiểu anh, thấu được tấm lòng không bị thời cuộc cuốn trôi, lặng lẽ bền bỉ ấy.

Chính tấm lòng nghiêm túc và chân thành đó, khiến anh luôn giữ sự tôn trọng sâu sắc, dù là với những bức tranh cổ câm lặng, hay là với người con gái mình thương yêu. Chính trái tim đầy kỷ luật và trang trọng ấy, khiến anh sẵn sàng lắng nghe tiếng thì thầm vô thanh của từng cảnh vật, từng con người trên lụa, trên giấy,  cũng như những lời trêu chọc vu vơ không đầu không đuôi của người mình yêu. Và chính tấm lòng không bị vật chất chi phối ấy, khiến anh có thể vững vàng giữa thế giới xô bồ hỗn tạp, phục chế từng bức tranh cổ nhuốm bụi thời gian, và chỉ mong có thể cùng người mình yêu sống giản dị, trọn đời trọn kiếp.

Đó chẳng phải là anh, người cô yêu sao? Yêu một cách chân thành, thật thà, nghĩ đến việc đối xử tốt với cô cũng chỉ biết chọn cách truyền thống nhất: chịu trách nhiệm cả đời. Không khéo léo, thậm chí có phần vụng về, nhưng thuần khiết như chính trái tim anh.

Nghĩ đến đó, Doãn Hy chẳng còn trách anh nổi một lời. Chỉ có điều, cái chàng mọt sách kia, e là sẽ không nhanh chóng nghĩ thông được đâu…

Và cô đoán hoàn toàn không sai.

Mấy ngày liên tiếp, công việc phục chế với cường độ cao cũng không khiến nỗi băn khoăn trong lòng Nhiếp Tung vơi đi chút nào. Anh lặp đi lặp lại bước đầu tiên trong quá trình phục chế: dùng khăn mềm, cọ dẹt và nước ấm lau sạch bụi bẩn và vết ố trên mặt tranh. Trước mắt là giấy vàng ố, nhưng trong đầu lại toàn là hình bóng của Doãn Hy.

Anh chưa từng gặp cô gái nào như vậy. Cô nói không trông mong vào hôn nhân thì cũng được đi, nhưng đến cả yêu đương cũng chẳng mơ mộng sẽ lâu dài. Điều đó khiến anh khổ sở vô cùng. Chiến tranh lạnh cứ ngày một kéo dài, anh lại chẳng biết phải làm sao, thật sự bất lực.

Thật ra, Nhiếp Tung biết rất rõ: Anh không phải không có cách, mà là anh không thuyết phục nổi chính mình.

Anh sinh ra trong một gia đình truyền thống, từ nhỏ đến lớn đều tiếp nhận nền giáo dục truyền thống. Sự thủy chung, có trách nhiệm và dám gánh vác là niềm tin mà anh luôn giữ vững. Thế nhưng Doãn Hy lại nói với anh rằng: “Không cần quá để tâm đến kết quả tốt đẹp, chỉ cần tận hưởng quá trình vui vẻ là được rồi.”

Anh không thể hiểu nổi, nếu chỉ đơn giản là theo đuổi một đoạn tình yêu vui vẻ, vậy kết cục của họ sẽ là gì? Nếu không cần kết quả, vậy họ yêu nhau để làm gì? Theo cách nói của Doãn Hy, rốt cuộc thì anh là gì trong cuộc tình ấy?

Càng nghĩ, đầu anh càng đau, động tác trên tay cũng chậm lại từ lúc nào không hay.

Một đồng nghiệp đi ngang qua lưng anh, thấy anh ngẩn người liền vỗ nhẹ vai: “Anh mệt rồi à?”

Nhiếp Tung giật mình như bừng tỉnh, ném chiếc khăn trong tay xuống.

Mấy ngày tiếp theo, anh liên tục làm công việc bóc tranh. Lớp lót cũ và giấy lưng đã dần dần được anh cùng đồng nghiệp trong nhóm cẩn thận gỡ bỏ bằng nhíp. Thế nhưng, người mà anh mong đợi suốt vẫn không hề gửi đến một tin tức nào.

Lần đầu tiên trong đời, Nhiếp Tung không thể đem sự nhẫn nại dồn vào công việc. Đúng vào giai đoạn cần sự bình tĩnh nhất, hôm nay anh lại chẳng thể giữ được sự điềm tĩnh cần thiết.

Trong lúc tiếng trò chuyện rì rầm của đồng nghiệp vang lên xung quanh, tay anh chậm rãi đưa về phía bức tranh cổ, đầu nhíp vô thức chạm sát đến lớp giấy lót mặt trong. Ngay khoảnh khắc đầu nhíp sắp chạm vào, một bàn tay bất ngờ giữ chặt lấy tay anh.

Anh nhìn theo bàn tay ấy. Một gương mặt quen thuộc xuất hiện trước mắt: “Bố?”

“Nguyên tắc khi bóc lớp lót là gì?” Không biết từ lúc nào, bố anh, Nhiếp Văn Viễn đã đến phòng làm việc, lúc này đang nghiêm mặt trừng mắt nhìn anh. Giọng ông không cần nổi giận vẫn uy nghiêm, khiến tất cả mọi người xung quanh đều sững sờ.

Việc bóc lớp lót bằng tay là một bước quan trọng trong quá trình phục chế và bồi lại tranh thư họa cổ. Nó cũng là một bài toán nan giải kéo dài cả ngàn năm trong giới phục chế. Bởi lẽ, lớp keo và lớp giấy lót vốn dĩ dính chặt với phần tranh chính và giấy nền. Bóc quá nhiều sẽ dễ làm hỏng tranh, bóc không hết sẽ khiến lớp tranh sau khi được lót lại xuất hiện vật chất dư thừa, khiến tổng thể bức tranh dày mỏng không đều. Lâu ngày còn có thể làm mài mòn, gây tổn hại nghiêm trọng đến phần tranh chính, khiến tranh dễ bị rách, gãy. Vì vậy, công đoạn bóc lớp lót trong phục chế tranh thư họa cổ chỉ được phép thành công, tuyệt đối không được thất bại.

Thế nhưng khoảnh khắc vừa rồi, ngay cả người từng kinh qua trăm trận như Nhiếp Văn Viễn cũng toát mồ hôi lạnh. Ông không ngờ rằng, trong lúc đến kiểm tra tiến độ phục chế lại tận mắt bắt gặp con trai mình lơ là, thậm chí còn suýt nữa tận mắt chứng kiến anh làm hỏng một bức tranh cổ quý giá.

“Điều gì là không được phép làm?” Nhiếp Văn Viễn không có ý buông tha, tiếp tục truy hỏi.

“Vội vàng, tay nghề kém thì không được phép làm.”

“Vậy còn con?” Giọng ông thấp và nặng, căn phòng bồi tranh vốn đã yên ắng lại càng lặng như tờ. Người ngoài có thể không nhìn ra, nhưng “hiểu con không ai bằng cha”. Ông buông tay Nhiếp Tung ra, gằn giọng: “Lòng con đang rối loạn!”

Nhiếp Tung không thể phản bác, lặng lẽ đặt nhíp xuống, cúi đầu nghe trách mắng.

“Con đã nhìn kỹ chưa?” Nhiếp Văn Viễn tiến lại gần bàn làm việc, chỉ vào bức tranh đang được làm ẩm bằng nước sạch: “Loại giấy nền này, dùng nhíp để bóc có được không?”

Nhiếp Tung cúi người, chăm chú quan sát toàn bộ bức tranh. Bức họa nguyên bản có khổ rộng, diện tích được bồi cũng lớn, rất khó để bóc hoàn toàn. Hơn nữa, lớp giấy lót bên trong lại mỏng manh, dính quá chặt vào phần tranh chính khiến việc bóc lớp lót càng thêm khó khăn gấp bội.

Cách mà anh vừa rồi đưa nhíp chạm vào tranh rõ ràng là quá vội vàng, nếu không có bố kịp thời giữ lại, thì rất có thể bức tranh cổ đã tồn tại suốt trăm năm kia sẽ bị chính tay anh hủy hoại.

Nghĩ đến đây, Nhiếp Tung không khỏi rét run. Anh cúi đầu nhìn bức tranh, bức họa cổ im lìm không lời càng khiến anh cảm thấy xấu hổ đến mức không còn chốn dung thân.

“Bây giờ đã nhìn rõ chưa?”

Nhiếp Tung gật đầu: “Dùng ngón tay nhẹ nhàng xoa bóp.”

“Vừa rồi sao lại hấp tấp?” Nhiếp Văn Viễn vẫn nghiêm khắc như trước, không hề có ý tha thứ.

Tổ trưởng Trương nghe tin vội vàng chạy đến hoà giải: “Thôi nào, lão Nhiếp, ông qua xem mấy nhóm bên cạnh sửa tranh thế nào rồi kìa.”

Nhiếp Tung quay người nói với đồng nghiệp trong nhóm: “Mọi người cứ tiếp tục gỡ đi, tôi ra ngoài bình tĩnh một chút.”

“Đúng là nên bình tĩnh lại. Đi khuấy hồ dán mười ngày đi.” Nhiếp Văn Viễn xưa nay luôn nghiêm khắc với thư họa, lần này con trai mình suýt gây đại họa, với tư cách là bố hay là thầy, ông đều phải phạt nghiêm.

“Lão Nhiếp à, không được đâu!” Tổ trưởng Trương trong lòng như gào thét, nói cũng chẳng giữ chút thể diện nào cho ông bạn già: “Nhiếp Tung mà đi khuấy hồ mười ngày, vậy ai sửa bức tranh này? Ông làm à?”

Nét mặt Nhiếp Văn Viễn như vừa nuốt phải ruồi: “……”

“Được rồi, lão Nhiếp, nghiêm khắc vậy là đủ rồi, tôi còn cần người làm việc nữa mà.” Tổ trưởng Trương vỗ vai ông, quyết định luôn: “Nhiếp Tung, làm năm ngày thôi.”

Thấy Nhiếp Văn Viễn không nói gì nữa, cả phòng làm việc như trút được gánh nặng, ai nấy đều quay về bàn làm việc của mình.

*

Bân: tôi hơi lười mò ảnh các cổ vật trong chú thích nên các bạn có thể tìm serie 3 tập có Eng sub tôi gắn link youtube trong bài để xem trực tiếp quá trình tu sửa cổ vật của các nghệ nhân nhé.

Comments