Mặc dù cuộc gọi của mẹ Nhiếp đã làm gián đoạn buổi hẹn hò giữa Doãn Hy và Nhiếp Tung, nhưng suy cho cùng, đó chỉ là một tình huống nhỏ. Tuy nhiên, những chuyện xảy ra sau đó thì không thể đơn giản gọi là “trùng hợp” được nữa.
Sau bữa tối, cả nhà ngồi trong phòng khách xem tivi, Nhiếp Tung vừa nhắn tin với Doãn Hy, thì mẹ Nhiếp bất ngờ từ bếp bước ra, gọi anh đi rửa bát.
Khi Nhiếp Tung vào phòng trò chuyện với Doãn Hy qua voice call hoặc video call, mẹ Nhiếp nhất định sẽ đến gõ cửa, hoặc là mang cho anh một bát chè tuyết lê ngân nhĩ, hoặc là một đĩa trái cây.
Ngay cả khi Nhiếp Tung không liên lạc với Doãn Hy, chỉ cần anh nhìn điện thoại hơn hai phút, và trên mặt hiện ra chút nụ cười, mẹ Nhiếp lập tức chuyển sang “chế độ soi mói”, bắt anh làm hết chuyện này đến chuyện khác.
Ban đầu, Nhiếp Tung chưa để ý, cho đến khi mỗi lần hẹn hò với Doãn Hy đều bị gián đoạn bởi hàng loạt cuộc gọi “truy sát” từ mẹ Nhiếp, anh mới nghi ngờ, đây không phải tình cờ, mà là mẹ Nhiếp cố tình cản trở.
Nhiếp Tung bắt đầu khôn hơn. Anh không đối đầu trực tiếp để chất vấn mẹ Nhiếp, vì có hỏi thì bà cũng chưa chắc thừa nhận, chưa kể có thể còn châm ngòi cho một trận cãi nhau. Anh không thay đổi thói quen giữ liên lạc và trò chuyện thường xuyên với Doãn Hy, cũng không nổi nóng vì sự ngăn cản của mẹ. Anh chỉ âm thầm bật chế độ máy bay mỗi khi hẹn hò, đồng thời cố tình về nhà trễ hơn.
Nhưng, anh vẫn đánh giá thấp quyết tâm phản đối của mẹ Nhiếp, và cũng đánh giá thấp sức chiến đấu của bà.
Doãn Hy cũng không ngờ tới điều đó, cho đến khi cô được nhân viên phục vụ dắt đến trước mặt mẹ Nhiếp trong một quán cà phê, cô mới bắt đầu nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
“Cháu chào dì.”
“Doãn tiểu thư đến rồi à, ngồi đi.”
“Dì tìm cháu có chuyện gì ạ?”
“Doãn tiểu thư, tôi xin phép nói thẳng. Cái việc cháu nói rằng chưa từng nghĩ đến tương lai sẽ phát triển với Nhiếp Tung như thế nào, tôi không thể chấp nhận quan điểm đó. Đối với một người mẹ mà nói, con trai tôi phải đối mặt với một mối quan hệ có thể chia tay bất kỳ lúc nào, cảm giác đó thật sự rất tệ.”
“Cháu hiểu.”
“Trong tình yêu, cháu bỏ ra bao nhiêu, đối phương sẽ đáp lại bấy nhiêu, đó là sự công bằng. Nhưng nếu ngay từ đầu đã không ôm hy vọng gì, thì kết quả nhận lại có thể chỉ là thất vọng.”
“Dì à, cháu không phải người tiêu cực trong chuyện tình cảm. Cháu rất nghiêm túc khi bắt đầu một mối quan hệ, cũng thật lòng hy vọng có một cái kết đẹp. Chỉ là, cái kết đó ra sao, cháu không biết được. Nói cách khác, cháu sẽ không vì mong có một cái kết hoàn mỹ với Nhiếp Tung mà đặt ra mục tiêu trước, cũng sẽ không vì chưa nghĩ đến kết cục mà xem nhẹ tình cảm này.”
“Cháu làm việc cũng như thế à?” Mẹ Nhiếp cầm thìa khuấy nhẹ tách cà phê trước mặt, hỏi, “Không có kế hoạch công việc, không sắp xếp công việc, làm được gì thì được nấy, như vậy cũng được sao?”
“Công việc là hướng đến kết quả, còn cuộc sống thì nên chú trọng quá trình hơn.” Doãn Hy mỉm cười, “Nếu cuộc sống mà cũng được xử lý như công việc, thì người ta cần gì yêu đương, cần gì kết hôn? Nói thẳng ra, có bao nhiêu cặp đôi thật sự có thể chết cùng năm cùng tháng cùng ngày? Nếu đã nói về kết cục, thì kết cục cuối cùng của con người không phải đều là một làn khói xanh, một nắm tro tàn sao? Hà tất phải làm quá lên?”
“Cháu… cháu…” Sắc mặt mẹ Nhiếp thay đổi, chưa từng có người trẻ nào dám nói chuyện với bà kiểu đó.
Thấy bà có vẻ nổi giận, Doãn Hy vội giải thích: “Cháu chỉ lấy ví dụ thôi. Tuy rằng cháu và Nhiếp Tung chưa từng hứa hẹn tương lai sẽ như thế nào, nhưng hiện tại chúng cháu thật lòng thích nhau, từng giây từng phút bên nhau đều rất hạnh phúc.”
“Nếu cả hai đều cảm thấy ổn, vậy hai đứa định khi nào kết hôn?”
“Còn tùy tình hình.” Doãn Hy nhìn mẹ Nhiếp, mỉm cười, “Dì à, cháu biết dì muốn hỏi gì, nhưng rất xin lỗi, cháu không thể cho dì một thời gian cụ thể được. Suy cho cùng, chuyện tình cảm không phải là thứ có thể do một người kiểm soát.”
“Thế thì được, tôi hỏi cháu, hai người ở bên nhau phân chia công việc thế nào? Ai chăm sóc ai?”
“Tuy hai mà một, cùng chăm sóc nhau.”
“Vậy sau này thì sao?” Mẹ Nhiếp thở dài, “Cháu đừng trách tôi là người mẹ phiền phức, tôi chỉ muốn biết, đứa con tôi đã nuôi suốt hai mươi lăm năm, sau này ai sẽ thay tôi chăm sóc nó? Liệu cô có thể chu đáo tỉ mỉ như tôi không?”
Doãn Hy im lặng một lúc. Cô hoàn toàn hiểu cảm xúc của mẹ Nhiếp, nhưng cô không thể đồng tình: “Dì à, cháu không thể làm được như dì, vì cháu không phải… Nhưng nếu cháu và anh ấy ở bên nhau, thì chắc chắn là cùng nhau vun vén, hơn là một người chăm sóc một người.”
“Cháu có thể đổi công việc không?”
Doãn Hy hơi sững lại: “Tại sao ạ?”
“Tôi có thể không quan tâm hai đứa kết hôn khi nào, nhưng dù sao cũng phải có một người hy sinh vì người kia, giống như năm xưa tôi vì chăm sóc bố của Nhiếp Tung và cả Nhiếp Tung mà từ bỏ sự nghiệp của mình, chuyển sang một công việc có thể chăm lo cho gia đình nhiều hơn. Cháu có làm được không?”
Mẹ Nhiếp vừa lý vừa tình, quả thật không thể xem thường.
Doãn Hy kiên quyết lắc đầu: “Không thể.”
Mẹ Nhiếp sốt ruột: “Yêu một người chẳng phải là nghĩ cho người đó, là hy sinh vì họ sao?”
“Là nghĩ cho người đó, nhưng không phải là hy sinh vì họ.” Doãn Hy bắt đầu cảm thấy tức giận, cô không ngờ mẹ Nhiếp lại đưa ra một yêu cầu hết sức vô lý như vậy.
Cô hít sâu vài lần, cố giữ bình tĩnh, nói với mẹ Nhiếp: “Dì à, trước tiên cháu là chính bản thân mình, sau đó mới đến thân phận là con gái, là bạn gái. Cháu sống vì chính mình, không sống vì bất kỳ ai ngoài bản thân, lại càng không thể hy sinh bản thân vì người khác.”
“Hừ,” Mẹ Nhiếp bật cười khẩy, “Ích kỷ.”
Doãn Hy nhìn bà một cái, không nói gì.
Mẹ Nhiếp lúc đầu còn tựa lưng vào ghế, giờ ngồi thẳng dậy, ánh mắt đầy vẻ không tin nổi kèm theo chút chế nhạo: “Vậy tôi hỏi cháu, nếu một ngày nào đó, bố mẹ cháu cần cháu hy sinh vì họ, cháu cũng không chịu sao?”
“Bố mẹ cháu chưa từng yêu cầu cháu phải hy sinh, cháu nghĩ sau này cũng sẽ không. Nếu một ngày nào đó cháu làm gì vì họ, thì đó là sự tự nguyện của cháu, chứ không phải như bây giờ… bị ép buộc.” Doãn Hy cuối cùng cũng trút được cơn nghẹn trong lòng, cô đứng dậy, hơi cúi đầu, “Dì à, xin lỗi, cháu muốn dừng cuộc trò chuyện ngày hôm nay tại đây.”
“Cháu nói tôi ép buộc cháu? Tôi lấy gì ra để uy hiếp cháu chứ?” Mẹ Nhiếp nhướng mày, vẻ mặt trở nên lạnh lùng, “Tôi chỉ muốn lên kế hoạch cho cháu và Tiểu Tung một tương lai tốt đẹp hơn, không ngờ cháu không những không cảm kích, lại còn nói tôi ép buộc cháu.”
“Tất cả những lời khuyên không xuất phát từ ý nguyện của chính bản thân, mà lại nhân danh ‘vì tốt cho bạn’ đều là một dạng ép buộc. Và cháu… không muốn bị ép buộc.” Doãn Hy cố giữ chút lễ độ cuối cùng, kết thúc cuộc trò chuyện tưởng chừng không có hồi kết ấy, “Dì à, cháu xin phép về trước.”
Vừa bước ra khỏi quán cà phê, Doãn Hy lập tức lấy điện thoại ra, bấm số của Nhiếp Tung gọi đi. Cô đang rất giận, có rất nhiều điều muốn hỏi anh. Một hồi chuông, hai hồi, ba hồi… Điện thoại không được bắt máy. Nhưng chỉ trong vài giây chờ đợi đó, cô đã bình tĩnh lại.
Cô cúp máy, nhìn quanh một lượt, chợt nhận ra nơi này cách nhà bố mẹ cô không xa. Không chần chừ lấy một giây, cô liền vẫy một chiếc taxi về nhà.
Khi mở cửa, mẹ Doãn đang ngồi xem tivi trong phòng khách, thấy cô đứng ở cửa thì kinh ngạc kêu lên: “Ơ kìa, sao con về không báo trước vậy?”
“Về nhà mình mà còn phải xin phép sao?” Doãn Hy cười, rồi nhìn về phía bếp, “Bố ơi——”
“Doãn Hy về rồi à!” Bố Doãn ló đầu ra từ trong bếp, vui vẻ nói, “Tối nay thêm món!”
Khi Doãn Hy ngồi vào bàn ăn mới phát hiện cái gọi là “thêm món” của bố mình là cả một bàn tiệc: thịt kho tàu, sườn xào chua ngọt, gà hầm nấm hương.
“Bố à, con chỉ về ăn bữa cơm thôi mà…”
Bố Doãn cười khì: “Bố đi trộn thêm đĩa dưa chuột!”
“Thôi khỏi bố ơi, đồ ăn thế này là quá đủ rồi!”
“Không sao, thêm món rau thanh đạm cho dễ ăn.”
Doãn Hy nhìn mẹ mình, hai người liếc nhau rồi “phụt” một tiếng phì cười.
“Cười cái gì?” Bố Doãn bê dĩa dưa chuột ra, ngồi xuống giữa hai mẹ con, “Con gái bố hiếm khi mới về một lần, chẳng lẽ bố lại không làm vài món tủ đón con sao?”
“Phải rồi phải rồi, bố con thương con nhất.”
“Còn phải nói!” Bố Doãn đầy vẻ đắc chí, “Nào, nếm thử xem tay nghề của bố có tiến bộ không!”
Doãn Hy cắn một miếng sườn, vị chua ngọt lan tỏa khắp miệng, cô liếm môi rồi giơ ngón tay cái: “Tuyệt vời! Gói cho con một hộp nhé!”
Bố Doãn làm bộ hiểu ý, liên tục gật đầu: “Biết rồi biết rồi, mang cho bạn trai chứ gì.”
“Á…” Doãn Hy nhếch một bên môi, nhăn mặt, “Bố, không phải bố không bao giờ tám chuyện sao?”
“Ấy,” Bố Doãn chỉ vào vợ mình, “Là mẹ con tò mò đó.”
Mẹ Doãn không nói gì, vừa ăn vừa cười.
“Haiz,” Doãn Hy thở dài, liếc mắt nhìn bố mình, nói: “Bố chắc là chỉ có mẹ tò mò thôi sao? Bố thật sự không hứng thú chút nào à?”
“Con biết mà, chuyện con yêu đương, dù bố mẹ có tò mò đến mấy thì cũng vẫn giữ lý trí, không vượt ranh giới.” Bố Doãn nhắc đến chuyện này với vẻ rất tự hào, “Có đúng không nào?”
“Quá chuẩn!” Nghĩ lại cuộc trò chuyện không mấy dễ chịu ban nãy, Doãn Hy càng cảm thấy may mắn vì có bố mẹ đề cao tự do và dân chủ, luôn tôn trọng cô. Cô múc cho bố mẹ mỗi người một bát canh, cảm khái nói: “Nếu bố mẹ nào cũng như hai người thì tốt biết mấy!”
Bố Doãn vừa định uống canh thì đã nghe ra ẩn ý trong lời nói của con gái, liền đặt thìa xuống, hỏi: “Sao thế?”
Đúng lúc đó, điện thoại của Nhiếp Tung gọi tới.
“Anh đang ở căn hộ à?” Doãn Hy hơi ngạc nhiên, không ngờ anh lại đến đó đợi cô, “Em đang ở nhà bố mẹ… Ừ, tối nay em không về, ngủ lại đây… Ừ, anh về đi…”
Cô vừa cúp máy, ánh mắt của bố Doãn đã đầy vẻ thăm dò: “Cãi nhau rồi à?”
“Không.”
Với Doãn Hy mà nói, cô không dễ bị cảm xúc chi phối quá mức, nhưng sự thay đổi trong giọng điệu thì rất rõ ràng. Bố Doãn là người hiểu con gái nhất, liền quan tâm hỏi: “Nếu không cãi nhau thì sao lại không gặp mặt?”
“Không có gì, chỉ là… mẹ anh ấy không hài lòng với công việc của con.” Doãn Hy cười gượng, tự giễu.
“Công việc của con thì sao? Chẳng phải rất tốt à?” Bố Doãn cau mày.
“Con đi thực địa suốt ngày, quanh năm không có mặt ở nhà.”
Bố Doãn sững người trong chốc lát, sau đó tức quá hoá cười: “Con gái mà bố nâng như nâng trứng, dung mạo, học vấn, công việc đều xuất sắc, nhà họ có tư cách gì mà chê chứ?”
Không đợi Doãn Hy kịp phản ứng, ông liền hỏi tiếp: “Con trai nhà họ trông thế nào? Có ảnh không? Cho bố xem thử? Học vấn thế nào? Nếu không phải hậu tiến sĩ thì đừng hòng có quyền chê bai con gái bố!”
“Xì——” Doãn Hy không nhịn được bật cười thành tiếng.
“Bố nói sai à?”
“Không không không, bố nói đúng lắm.”
“Đưa ảnh cho bố xem nào.”
“Bố nghiêm túc thật đấy à?”
“Tất nhiên rồi.”
Doãn Hy lấy điện thoại ra, tìm bức ảnh chụp Nhiếp Tung lần trước trong văn phòng, đưa cho bố xem.
Bố Doãn đeo kính lão, xem kỹ từng chi tiết, mẹ Doãn cũng ghé lại gần.
“Về ngoại hình thì… cũng tạm được thôi…” Bố Doãn nhận xét.
“Nhìn cao ráo, nho nhã đấy chứ, cũng được mà.” Mẹ Doãn liếc ông một cái, rồi nhìn sang Doãn Hy hỏi, “Đây là ở đâu thế? Thằng bé đang làm gì vậy?”
“Trong viện bảo tàng, anh ấy làm phục chế thư họa cổ.” Doãn Hy đang gắp một miếng thịt kho tàu chuẩn bị cho vào miệng, thấy bố mẹ đều chờ cô nói tiếp, đành đặt đũa xuống giải thích thêm, “Anh ấy 25 tuổi, thạc sĩ mỹ thuật.”
“Xì, còn hôi sữa!” Bố Doãn nghểnh cổ lên, tức tối nói, “Chê con gái bố suốt ngày không ở nhà, bố còn chê con trai nhà họ còn trẻ con, học hành chưa tới, không đáng tin kìa!”
Sự bênh vực dứt khoát của bố như thổi bay mây đen trong lòng Doãn Hy. Cảm giác bị mẹ Nhiếp đè nặng suốt cả buổi chiều cuối cùng cũng được nhẹ nhõm đôi phần, cô thở phào một hơi thật dài.
Comments